LY HÔN VÀ ĐỊNH KIẾN

Tôi từng chứng kiến một người vừa ly hôn được bạn an ủi: “Thôi buồn làm gì. Giỏi như mày quơ đâu chẳng ra gái trẻ. Bỏ con mụ quá đát ấy là đúng rồi”.

Ly hôn không phải chuyện lạ. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn năm 2019 là 1/4. Tức cứ bốn cặp đăng ký kết hôn thì có một đôi nộp đơn ly hôn.

Điều khiến cuộc ly hôn của ông Bill và bà Melinda làm cả thế giới quan tâm vì họ nổi tiếng, giàu có, và dường như đã rất đẹp đôi. Cả hai đều tài năng, nuôi dạy con văn minh, nhất là đồng chí hướng trong công việc thiện nguyện và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Một trong những bình luận của nhiều người hai ngày qua cho rằng, ông Bill có “trà xanh” – người thứ ba trẻ đẹp.

Tuy nhiên, “trà xanh” là một định kiến giới. Khi các cặp đôi chia tay, không nhất thiết do đàn ông ruồng bỏ người nữ để theo một cô gái trẻ đẹp. Đằng sau sự đồn đoán ấy là định kiến coi thường đàn ông.

Họ bị coi như giống loài ham của lạ và nông cạn trong tình yêu. Trái tim họ hời hợt đến mức vì sự rung động trước vẻ ngoài mà bỏ qua chiều sâu của vô vàn xúc cảm như thuỷ chung, tình nghĩa hay vẻ đẹp trí tuệ.

Một người đàn ông trưởng thành hẳn sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi tấm chân tình, sự sâu sắc và độ chín chắn của mình bị đem ra đo đạc bằng cây thước ngắn ngủn và những tiêu chí nông cạn. Nông cạn đến mức chỉ cần có gái trẻ là hạ gục được một trái tim dễ dãi.

Nguy hiểm hơn, định kiến này không chỉ coi thường sự trưởng thành và chín chắn của đàn ông mà còn bẻ xiên khái niệm “đàn ông thành đạt”. Đại gia thì phải đi với chân dài. Nhan sắc phụ nữ trở thành thứ huy chương, một kiểu trang sức, một loại chiến lợi phẩm để chứng tỏ anh ta giỏi giang.

Điều này có thể đúng với vài cá thể. Tuy nhiên, việc mặc định như vậy vẫn là cách đánh giá nam tính khiến vô vàn đàn ông khác bị vạ lây, thậm chí bị sức ép hoặc trêu chọc từ bạn bè và xã hội.

Định kiến với đàn ông là vậy, còn đàn bà thì sao?

Mặt sau của định kiến trên là khuôn mặt phụ nữ bị nhìn nhận như một nạn nhân chịu cảnh ruồng rẫy. Thực tế, phụ nữ trong cuộc ly hôn chưa chắc đã cần thương cảm. Thanh xuân của cô ấy không cần bị coi là món đồ quý bị trả vào hư không.

Khi ta tự động “xót xa” cho phụ nữ có hôn nhân đổ vỡ dù chưa hiểu ngọn ngành câu chuyện chứng tỏ một định kiến rằng: phụ nữ tồn tại chỉ với mục đích hy sinh cho một người đàn ông. Khi ly hôn xảy ra, đương nhiên là phụ nữ bị gạt ra chứ không đời nào cô ấy từ bỏ mục đích hy sinh cho gia đình và người chồng. Người phụ nữ không phải chủ thể của hạnh phúc do mình tạo ra. Cô nhất thiết phải có đàn ông là lý do để sống.

Tuy nhiên, sự thật là phụ nữ chiếm tới 70% số người đứng đơn ly hôn trong số 600.000 vụ ly hôn tại Việt Nam mỗi năm, theo báo cáo của ngành Thống kê.

Việc vợ đệ đơn ly hôn nhiều hơn chồng dường như phản ánh thực tế rằng, trong các vấn đề hôn nhân, người có lỗi có vẻ đang là đàn ông. Lý do ly hôn thường là: các ông chồng không nghiêm túc với trách nhiệm gia đình, ngoại tình và bạo lực.

Một nghiên cứu của Đại học Kingston, Anh công bố rằng, tuy phụ nữ và đàn ông sau khi ly hôn đều phải vượt qua nhiều nỗi đau, nhưng phụ nữ “kết thúc với tâm trạng hạnh phúc hơn”. Tại sao? Câu trả lời cho sự chênh lệch này cũng lại nằm ở định kiến giới.

Đàn ông từ nhỏ đã bị dạy bảo phải kìm nén cảm xúc, không được khóc và tỏ ra yếu đuối. Họ không dám dùng nước mắt – một cơ chế sinh học rất tự nhiên của loài người – để giải quyết các vấn đề tâm lý.

Khi các cô gái được dạy giải toả và điều chỉnh cảm xúc bằng cách chọn bạn mà chơi, chia sẻ, lắng nghe, tự gọi tên, nhìn nhận và tiết chế tình cảm một cách hài hoà, đàn ông được dạy đó là không phải là “giải pháp” mà là “sự yếu đuối” hoặc “phức tạp rắc rối” của đàn bà.

Đàn ông được dạy phải trương ra vẻ ngoài mạnh mẽ, nhiều khi để che giấu một tâm hồn tan vỡ. Nhiều người tìm đến rượu bia, hành xử bằng bạo lực, quát tháo hoặc im lặng chờ giông bão trôi qua.

Chính vì thế, sau ly hôn, một số đàn ông có thể cưới vợ mới rất nhanh, nhưng có khi đó chỉ là sự yếu đuối của kẻ không thể gồng gánh gia đình và trụ vững tâm lý. Ngược lại, có những người đàn bà có thể ở vậy cả phần đời sau ly hôn, nhưng họ lại mãn nguyện với cuộc sống mới.

Vậy, định kiến từ đâu ra?

Như tôi từng lý giải trong một cuốn sách của mình. Bộ óc loài người là một cỗ máy khái quát hoá tài tình. Nếu nhìn ba dấu chấm so le nhau, ta sẽ thấy một hình tam giác. Bộ óc đã tự động thêm vào ba đường thẳng nối các dấu chấm để tạo ra tam giác. Vì đó là cách nhanh nhất để ta khái quát hoá và đưa ra quyết định.

Thử tưởng tượng, hàng ngàn năm trước, tổ tiên chúng ta đang đi trong rừng (dấu chấm thứ nhất), chỗ có lùm cây to (dấu chấm thứ hai), chợt nghe tiếng động (dấu chấm thứ ba). Nếu bộ óc không nhanh chóng kết nối ba chi tiết đó lại và đưa ra một tam giác: có thú dữ trong lùm cây, kết quả có thể trả giá bằng mạng sống của chính mình.

Sự khái quát hoá như vậy đến 99% là sai, nhưng tinh thần cẩn thận không thừa ấy đã trở thành bản năng sinh tồn tự động, giúp loài người sống sót đến ngày nay.

Tuy nhiên, định kiến hay sự nhanh nhẩu – nhìn ba chấm ra ngay tam giác – trong thời hiện đại nhiều khi trở thành vơ đũa cả nắm. Ấy là khi ba chấm đó chỉ đại diện cho những cảm xúc, trải nghiệm và kiến thức hạn hẹp của mỗi cá nhân trong cộng đồng hoặc trong bán kính văn hoá của xứ sở mình.

Hôn nhân và tình yêu là hai khái niệm hầu như tách biệt trong phần lớn lịch sử phát triển cuả loài người. Ngày xưa, ông bà chúng ta về sống với nhau để bảo đảm những nhu cầu như tiền bạc, sức lao động, con cái, hàn gắn các tranh chấp lãnh thổ và cả chính trị, mở rộng bờ cõi.

Ngày nay, nhiều cặp đôi tự nguyện đến với nhau, nhưng cũng có thể nhanh chóng tự nguyện xa nhau. Ấy là vì tình yêu thời đại mới không chỉ khao khát tình cảm sẽ được đáp lại, mà còn mong đợi rằng nó sẽ biến đổi bản thân họ thành phiên bản mới, thăng hoa hơn, tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn con người cũ.

Cuộc ly hôn của bà Melinda và ông Bill là câu chuyện buồn nếu suy đoán dựa trên định kiến và “dấu ba chấm” của chính chúng ta. Nhưng nếu nhìn tình yêu với khái niệm của cuộc sống hiện đại như trên, hẳn ta sẽ thấy cả chiều tích cực. Với hai con người tài năng và quyền lực này, biết đâu, đó là khởi đầu hành trình sống mới, khiến cả hai đều trở thành phiên bản hạnh phúc và có nghĩa hơn.

Buông bỏ định kiến để ta cho phép mình nhìn về phía cơ hội trong tương lai, thay vì luyến tiếc những gì đã mất ở quá khứ.

0587108686